Một chiếc thuyền bơm chở người di cư trái phép vào Anh qua eo biển Manche - Ảnh: GETTY IMAGES

Theo đó, bắt đầu từ tuần này, người di cư trái phép vào nước Anh sẽ lập tức bị tạm giam chờ ngày bay sang Rwanda - một quốc gia ở Đông Phi - để nhập trại tị nạn.

Kế hoạch Rwanda là gì?

Kế hoạch Rwanda, được Quốc hội thông qua ngày 25-4, là chính sách của Chính phủ Anh nhằm giải quyết tình trạng “quá tải” người di cư từ khắp nơi trên thế giới đổ về quốc gia này, theo Hãng tin AP.

Năm 2022, nước Anh ghi nhận 46.000 người di cư đến lãnh thổ Anh trên những chiếc thuyền nhỏ, thông qua eo biển Manche nối Anh và bờ biển phía bắc nước Pháp. Hầu hết những người đến Anh bằng con đường trên đều xin tị nạn hoặc được cấp quyền tị nạn trước đó.

Để đối phó với tình trạng trên, Anh đã đạt được thỏa thuận với Rwanda vào tháng 4-2022 để gửi những người di cư trái phép đến quốc gia Đông Phi này. Tại đây, những người này sẽ được phân loại và làm thủ tục xin tị nạn.

Bị chỉ trích vì vi phạm nhân quyền

Trước khi được Nghị viện Anh thông qua thành dự luật Rwanda dưới nhiệm kỳ của Thủ tướng Rishi Sunak, kế hoạch trên đã vấp phải sự chỉ trích của các nhóm nhân quyền. Họ cho rằng việc gửi người di cư trái phép đến một quốc gia châu Phi cách đó 6.400km là hành vi phi đạo đức.

Đồng thời, kế hoạch Rwanda cũng gặp phải những rào cản pháp lý. Tháng 6-2022, chuyến bay đầu tiên đã không thể thực hiện được sau phán quyết của Tòa án Nhân quyền châu Âu (ECHR).

Đến tháng 11-2022, Tòa án Tối cao Anh phán quyết chính sách Rwanda bất hợp pháp vì Rwanda không phải là quốc gia thứ ba an toàn để người di cư trái phép có thể được gửi đến. Các thẩm phán nhất trí rằng việc gửi người di cư đến Rwanda sẽ khiến họ có nguy cơ bị đối xử tệ bạc.

Ngoài ra, các thẩm phán của Tòa án Tối cao Anh cũng cung cấp bằng chứng cho thấy Rwanda không thực hiện đúng theo Công ước về vị thế người tị nạn 1951, điển hình như coi thường những người xin tị nạn từ Trung Đông và Afghanistan.

Đồng thời, Rwanda cũng có ít kinh nghiệm trong việc thực hiện các thủ tục tị nạn cần thiết trong trường hợp có quá nhiều người di cư từ khắp nơi trên thế giới đổ về.

Quyết tâm dẹp bỏ rào cản pháp lý

Chính phủ Anh sau đó sửa lại kế hoạch Rwanda cho tới khi được Nghị viện Anh thông qua thành dự luật Rwanda vào tháng 4-2024. Ngày 25-4, Vua Charles III đã chính thức ký ban hành.

Dự luật Rwanda tuyên bố Rwanda là một quốc gia an toàn dành cho người di cư, đồng thời cho phép Chính phủ Anh bỏ qua các phán quyết trước đó của ECHR về việc trục xuất người di cư ra khỏi lãnh thổ Anh.

Nếu các nỗ lực trên vẫn không giải quyết được vấn đề pháp lý, Thủ tướng Sunak khẳng định sẽ xem xét bỏ qua các hiệp ước nhân quyền quốc tế bao gồm Công ước châu Âu về nhân quyền.

Về phía Rwanda, chính phủ nước này cam kết sẽ thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ quốc tế được Liên Hiệp Quốc và các tổ chức quốc tế khác công nhận, nhằm bảo đảm quyền lợi cho người xin tị nạn.

Rwanda đã có kế hoạch xây dựng hơn 1.000 ngôi nhà, bao gồm cả cơ sở giải trí, cho những người bị trục xuất từ Anh.

"Chuyến bay đầu tiên dự kiến diễn ra từ 10 đến 12 tuần nữa, muộn hơn dự kiến ban đầu. Tuy nhiên, khởi đầu luôn cần nhiều thời gian", Thủ tướng Anh Rishi Sunak cho biết.

Thủ tướng Rishi Sunak tuyên bố những người di cư trái phép đến Anh sẽ không được ở lại. Từ nay về sau, bất cứ ai nhập cư bất hợp pháp đến Anh sẽ bị tạm giam để chờ ngày bay sang Rwanda. Đây là giải pháp duy nhất để giải quyết vấn đề di cư trái phép.

Hứng chịu "cơn mưa" chỉ trích trong và ngoài nước

“Bất kể dự luật Rwanda được Nghị viện Anh thông qua, đây vẫn là một cách giải quyết không hiệu quả, tàn nhẫn, tốn kém và không cần thiết” - báo The Guardian dẫn lời nhận định của bà Denisa Delić, giám đốc vận động tại Ủy ban Cứu hộ quốc tế (IRC) chi nhánh Anh, cho biết.

Bà Delić đề xuất Chính phủ cần từ bỏ kế hoạch sai lầm này, thay vào đó tập trung vào việc xây dựng một hệ thống hạ tầng nhân đạo và trật tự hơn dành cho người di cư trái phép tại nước Anh.

Theo các chuyên gia nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, dự luật mới của Thủ tướng Sunak có thể vẫn phải đối mặt những rào cản pháp lý. Đồng thời, các hãng hàng không khai thác các chuyến bay trục xuất có thể vi phạm luật nhân quyền quốc tế.

Người Việt di cư bất hợp pháp qua Anh tăng cao

Theo báo Telegraph, số lượng người Việt vượt eo biển Manche bằng thuyền nhỏ đến Anh đã tăng gấp 10 lần và hiện là nhóm người đến Anh đông nhất thông qua cách thức này.

Năm 2024, tổng số lượt vượt eo biển đến Anh tăng 28% so với cùng thời điểm năm ngoái, lên 2.023. Đáng chú ý, người Việt Nam chiếm gần như toàn bộ mức tăng này.